Một đời thơ Giả Đảo

Giả Đảo là người Phạm Dương, tỉnh Hà Bắc (nay thuộc ngoại ô Bắc Kinh), Trung Quốc.

Thời trẻ, ông đi thi nhiều lần không đỗ, đi làm tăng tại Lạc Dương, pháp danh là Vô Bản. Sau đến kinh đô Trường An, ngụ tại chùa Thanh Long.

Ở đấy, ông gặp được Hàn Dũ và nghe lời danh sĩ này hoàn tục. Sách Tân Đường thư chép: “ông thi nhiều lần không đỗ [3], đời Đường Văn Tông (ở ngôi: 826-840), có người gièm pha, bị giáng chức [4] làm Chủ bạ Trường Giang (nay là huyện Bồng Khê, tỉnh Tứ Xuyên). Lúc đó ông đã năm mươi tuổi. Năm sáu mươi hai, ông được đổi làm Tư thương tham quân ở Phổ Châu (nay là An Nhạc, tỉnh Tứ Xuyên).

Năm 65 tuổi, ông mất ở nơi làm quan, tức Phổ Châu [5].

Tác phẩm của ông để lại là Trường Giang tập, gồm 10 quyển.

Đa phần thơ Giả Đảo viết theo thể thơ ngũ ngôn luật và ông đã tỏ ra sở trường về thể loại này. Từ điển văn học (bộ mới) viết:

Đặc sắc của thơ Giả Đảo là lạ lùng, trầm tĩnh, ít có niềm vui và nỗi buồn bồng bột. Phong cách cô đơn hiu quạnh đó đã từng được một số nhà thơ cuối Đường rất chuộng. Do vậy họ tôn sùng ông, sớm chiều cúng bái ông như Phật và sau này phái Giang hồ cuối thời Tống cũng suy tôn Giả Đảo là ông Tổ. Thật ra, ngoài một số câu thật hay, thơ ông ít có bài toàn bích. Có lẽ do quá say sưa với việc gọt giũa câu chữ nên ông coi nhẹ sáng tạo nghệ thuật hoàn chỉnh toàn bài. Ở những bài tương đối chỉnh thì tình ý lại khô khan, không mấy xúc động. Lại thêm đấy phần nhiều là thơ thù tạc, ít phản ánh sinh hoạt xã hội, tâm hồn rõ ràng không rộng mở. Ngược lại, Giả Đảo có một số bài thơ ngắn, hình như không cố ý gọt giũa, lại hóa giản dị, tự nhiên như bài Kiếm khách[6] lời thơ mạnh mẽ, được nhiều người thích, hay như bài Tầm ẩn giả bất ngộ...[7]

Sách Văn học sử Trung quốc của Dịch Quân Tả có đoạn:

Giả Đảo là một người sớm xuất gia, về sau con đường hoạn lộ lại trắc trở, cho nên tác phẩm ông thiếu nét phong lệ, hào hoa và đều là những biểu lộ những nét kỳ khí từ một gương mặt khắc khổ. Lục Thời Ung trong quyển Thi kinh có nói: "Ta đọc thơ của Mạnh Giao như ăn đu đủ mà răng thì súng lười thì tê, không biết mùi vị thế nào cả. Còn đọc thơ của Giả Đảo như ăn dưa muối lạnh, mùi vị chẳng những không hợp khẩu mà có khi lưỡi bị chua, răng bị tê nữa."[8]